TRANG NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO CỦA TS. ĐINH VIỆT HOÀ

Tự do đến từ tri thức - Knowledge sets freedom

Ông chủ của Kodak và bí quyết thành công

Thu nhận những người thiếu kinh nghiệm Eastman là một nhân viên rất chăm chỉ ở nhà băng Rochester. Ông chẳng bao giờ nghỉ một ngày nào, cho dù hàng đêm ông vẫn thức để mày mò cách tạo ra những tấm kính ảnh khô. Nhưng sự cần cù của ông không được ghi nhận, ông không được thăng tiến xứng đáng trong trong ngân hàng. Lúc đầu, khi biết điều này, ông đã cảm thấy rất bị tổn thương, nhưng sau đó ông quyết định rằng, chính vì không được thừa nhận, nên ông không muốn tiếp tục công việc này nữa.

Khi bỏ việc ở ngân hàng, Eastman đã thề với các sếp cũ của mình rằng: “Tôi sẽ thành công”. Khi biết tin ông bỏ việc ở ngân hàng để theo đuổi nhiếp ảnh, các sếp và đồng nghiệp của ông rất bất ngờ và tìm cách níu kéo ông ở lại. Một đồng nghiệp của Eastman bảo ông rằng: “Bỏ việc để theo đuổi cái việc vớ vẩn này thì thật là ngớ ngẩn, trong khi anh có một sự nghiệp đầy hứa hẹn nếu làm ở ngân hàng”.

Eastman còn chưa tốt nghiệp trung học, chứ đừng nói gì đến việc có bằng đại học. Thế nhưng, ông quyết tâm tạo ra thành công riêng của mình bằng một niềm đam mê mới. Việc thiếu kinh nghiệm được Eastman bù đắp bằng sự kiên trì và chăm chỉ. Hồi còn nhỏ, trong lúc vừa làm các việc lặt vặt, cậu bé Eastman vừa dành các buổi tối nghiền ngẫm các cuốn sách tài chính với hy vọng sẽ kiếm được một công việc được trả nhiều hơn 3 đô la một tuần. Chiến lược của Eastman đã hiệu quả, vì thế ông tiếp tục làm như vậy khi làm việc ở ngân hàng: dành thời gian buổi tối để học thêm bất kể điều gì cần thiết để có được thành công.

Chính thái độ học hỏi của những người không có kinh nghiệm đã giúp công ty của Eastman lên vị trí hàng đầu. Ông không muốn công ty mình gồm những người đã có kinh nghiệm kinh doanh khoảng 20 năm. Ông muốn đó là một nơi thuộc về những người ít kinh nghiệm, nhưng luôn có khao khát và đam mê. Ông muốn có những người giống mình, những người tự học hỏi và hào hứng làm việc vì họ có tham vọng.

Lúc đầu, Eastman đã thuê Henry Reihenbach, một sinh viên khoa học ở đại học Rochester. Trước đó, Reichenback cũng chẳng hề có kinh nghiệm gì về máy ảnh. “Chúng tôi có một nhà hóa học trẻ tuổi, người đã cống hiến toàn bộ thời gian cho các thí nghiệm”, Eastman nói về cộng sự mới của mình: “Anh ta không biết gì về nhiếp ảnh, điều đó làm cho mọi việc sẽ tốt hơn”.

Eastman là minh chứng sống cho thấy kinh nghiệm không phải là nhân tố quyết định với thành công. Trên thực tế, chính việc thiếu kinh nghiệm đã thúc đẩy ông tiến lên, tạo cho ông sự lạc quan và hy vọng rằng những điều tốt đẹp hơn sẽ đến.

Cái tên nói lên tất cả!

Khi Eastman dành thời gian và công sức để nghĩ ra một cái tên cho công ty, nhiều người bảo ông rằng ông đang phí công vô ích. Họ cho rằng, rốt cuộc, đó cũng chỉ là một cái tên. Nhưng Eastman nghĩ rằng, nó sẽ không đơn thuần chỉ là một cái tên, mà hơn thế, nó sẽ gắn chặt với những sản phẩm của ông, cho dù trải qua bao nhiêu năm tháng. Ông muốn có một thương hiệu có giá trị, nhưng đồng thời, ông muốn chọn một cái tên dễ nhớ, một thứ gắn chặt với đầu óc của những người đã từng nghe đến nó. “Một cái tên nên ngắn gọn, sôi nổi, không bị đọc nhầm”, Eastman nói. “Nếu từ đó không có định nghĩa trong từ điển, thì nó phải gắn liền với sản phẩm của bạn”.

Eastman cũng là một người tin tưởng vào sức mạnh của quảng cáo. Ông đã thiết kế tất cả các tấm quảng cáo của công ty và đặt chúng ở các tờ báo và tạp chí hàng đầu. Ông là người đầu tiên đưa ra khẩu hiệu: “Bạn ấn nút, chúng tôi thực hiện phần còn lại”. Chưa đầy một năm, cụm từ này đã trở nên nổi tiếng. Ông cũng thiết kế biểu tượng của Kodak, đặt nó ở bất kỳ nơi nào có thể, từ tấm quảng cáo tới các cửa hàng trưng bày.Cuối cùng thì Eastman quyết định đặt tên cho công ty mình là Kodak với lời giải thích: “Chữ k là chữ tôi yêu thích, nó dường như là một chữ ngắn gọn và sắc sảo. Đó là kết quả của việc cố thử kết hợp nhiều chữ lại làm thành từ bắt đầu và kết thúc đều bằng chữ k. Kết quả là từ Kodak”.

Máy ảnh Kodak luôn có mặt ở các cuộc triển lãm cùng với các “cô gái Kodak”. Trong khi các bộ quần áo và những chiếc máy ảnh mà các cô gái này đeo thay đổi từ năm này qua năm khác, thì ý tưởng chung về việc tiếp thị này chưa bao giờ thay đổi. Eastman không bao giờ để lỡ cơ hội quảng bá thương hiệu của mình tới công chúng.

Mở rộng thị trường

“Ý tưởng dần dần hiện ra trong đầu tôi rằng những gì chúng tôi đang làm sẽ không chỉ tạo ra những tấm kính ảnh khô mà chúng tôi đang bắt đầu làm cho nhiếp ảnh trở thành một công việc hàng ngày” – Eastman nói – “để máy ảnh cũng tiện lợi như chiếc bút chì”.

Khi chiếc máy ảnh Kodak đầu tiên xuất hiện, nó rất đắt, kể cả đối với những người chụp ảnh chuyên nghiệp. Giá 25 đô la một chiếc tương đương với ba tháng lương của một người làm việc bình thường. Nhưng chiếc máy ảnh này cũng không phải là thứ dành cho một người bình thường. Hơn thế, nó dành cho những người có thể có những kỳ nghỉ dài, đi du lịch thế giới, những người muốn lưu lại những khoảnh khắc của kỳ nghỉ.

Eastman nhanh chóng nhận ra rằng thị trường của mình rất hạn hẹp. Những người chụp ảnh chuyên nghiệp, thuộc tầng lớp trên thì không nhiều. Vậy nên, muốn bán được nhiều, ông sẽ phải giới thiệu sản phẩm của mình ở thị trường mới, thị trường gồm những người thợ nghiệp dư. “Để tạo ra một doanh nghiệp lớn, chúng tôi phải hướng tới công chúng bình thường” – Eastman nhận định.

Eastman tin rằng chiếc máy ảnh Kodak dễ sử dụng sẽ trở nên phổ biến trong những người nghiệp dư nếu họ thấy giá cả phù hợp. Ông tìm cách để giảm chi phí sản xuất máy ảnh. Cùng với nhà hóa học Henry Reichenbach, Eastman bắt đầu thử nghiệm các chất liệu có thể để có thể thay thế cho giấy ảnh. Ông tin rằng việc thay thế giấy ảnh bằng thứ gì đó có thể giảm thời gian và chi phí. Sau vài tháng, Reichenbach thấy một công thức hiệu quả.

Với việc sử dụng phim cuộn, Eastman tin chắc rằng chiếc máy ảnh mới nhất của ông sẽ là đòn đánh trúng tâm lý của những người chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư vì ông có thể giảm chi phí được đáng kể. Kết quả là, ông mở một nhà máy sản xuất mới, lớn hơn, có tên là Kodak Park và bắt đầu sản xuất loại máy ảnh có tên là Brownie.

Chiến lược của Eastman đã hiệu quả. Với giá chỉ 1 đô la một chiếc, Brownie là chiếc máy ảnh mà tất cả mọi người đều có thể mua. Năm 1900, năm đầu tiên Brownie xuất xưởng, Eastman đã bán được 150 nghìn – nhiều hơn ông đã bán trong 12 năm trước gộp lại. Kodak đã chiếm lĩnh được thị trường máy ảnh nhờ vào việc điều chỉnh sản phẩm của mình để đáp ứng được nhu cầu của khác hàng.

(còn nữa)
Nguyệt Ánh
tổng hợp

Bài viết liên quan
Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN  Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận tư vấn