TRANG NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO CỦA TS. ĐINH VIỆT HOÀ

Tự do đến từ tri thức - Knowledge sets freedom

Phát triển Phong trào Năng suất và chất lượng tại Nhật Bản

Là đất nước rất nghèo nàn về tài nguyên ngoại trừ gỗ và hải sản, trong khi dân số thì quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh, nhưng với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973) khiến cho thế giới hết sức kinh ngạc. Người ta gọi đó là "Thần kì Nhật Bản".

Từ năm 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại, song Nhật Bản tiếp tục là quốc gia có nền kinh tế lớn đứng thứ hai trên thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ sau Hoa Kỳ, GDP trên đầu người là 34.100USD (2008). Xếp thứ 4 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 6 về nhập khẩu, và là đất nước đứng thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư cho quốc phòng. Đây là thành viên của tổ chức Liên hiệp quốc, G8, G4 và APEC. Nhật Bản là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia, một số công ty dịch vụ tài chính, những tập đoàn kinh doanh và những ngân hàng lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn có năng lực rất lớn về công nghiệp, và đây cũng là trụ sở của nhiều nhà sản xuất công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới về các sản phẩm xe có động cơ, trang thiết bị điện tử, công cụ máy móc, thép, phi kim loại, công nghiệp tàu thủy, hóa học, dệt may, thức ăn chế biến.

Sẽ không quá lời khi nói Nhật Bản là một cường quốc khoa học – kỹ thuật. Trình độ khoa học – kỹ thuật của Nhật Bản, theo đánh giá tổng hợp của Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản chỉ thua kém Mỹ nhưng vượt Đức, Anh, Pháp. Sản phẩm công nghiệp dựa trên kỹ thuật cao của Nhật Bản có mặt trên khắp thế giới. Số lượng bằng phát minh sáng chế của các công ty Nhật Bản không ngừng tăng và không ít nhà khoa học Nhật Bản đã đoạt giải Nobel. Cán cân thương mại dư thừa và dự trữ ngoại tệ đứng hàng đầu thế giới, nên nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài rất nhiều, là nước cho vay, viện trợ tái thiết và phát triển lớn nhất thế giới.

a) Phong trào năng suất và chất lượng tại Nhật Bản và vai trò của Trung tâm Năng suất Nhật Bản (JPC)

Giai đoạn 1945-1954, Nhật Bản bước vào giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 với tình trạng là một nước nghèo với tổng thu nhập quốc dân (GNP)/đầu người chỉ vào khoảng 270USD, mức sống của đại bộ phận dân chúng chỉ trên mức đủ tồn tại. Hệ thống, trang thiết bị công nghiệp, công nghệ cũ kỹ và lỗi thời so với hầu hết các nước phương Tây. Và hậu quả là, chữ “Made in Japan” đồng nghĩa với các sản phẩm chất lượng thấp và rẻ tiền. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi những cuộc đối đầu, xung đột trầm trọng giữa giới quản lý và tầng lớp lao động trên toàn đất nước nổ ra ngày càng nhiều, những tranh chấp công nghiệp và các cuộc bãi công kéo dài là những việc xảy ra phổ biến hàng ngày ở Nhật Bản.

Năm 1955 đánh dấu bước ngoặt thần kì khi nền kinh tế Nhật Bản chuyển sang giai đoạn phát triển cao độ. Vào thời điểm đó, nền kinh tế của các nước Tây Âu đang tiến triển mạnh mẽ nhờ tiếp nhận các hệ thống và công nghệ tiên tiến của Mỹ thông qua các chương trình viện trợ Marshall mà thực chất là các hoạt động phát triển năng suất. Nhiều doanh nhân hàng đầu với nhiệt huyết và quyết tâm của Nhật Bản đã quan sát một cách kỹ lưỡng tình hình Châu Âu và đã đi đến khẳng định sự cần thiết phải phát triển những hoạt động tương tự ngay tại quê hương mình.

Lúc bấy giờ, Chính phủ, ngành công nghiệp và toàn xã hội đều có chung khát vọng là phải xây dựng lại đất nước bị tàn phá sau chiến tranh chỉ với mục tiêu khiêm tốn là đạt được một nền kinh tế có khả năng “tự duy trì”. Là quốc đảo nhỏ, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn thì cách duy nhất để đạt được mục tiêu nêu trên là phải nâng cao năng suất và chất lượng thông qua việc phát triển nguồn nhân lực và tính năng động của nền kinh tế.

Ở cấp chính phủ, một chính sách phát triển mới đã ra đời. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản đã thay đổi từ hình thức trừng phạt chuyển sang phát triển Nhật Bản như một đồng minh thân cận của phương Tây. Vào tháng 12 năm 1953, chính phủ Mỹ đã gợi ý rằng họ sẵn sàng mở rộng các chương trình viện trợ kỹ thuật cho Nhật Bản theo cách tương tự như chương trình Marshall. Sau đó chính phủ Nhật Bản với đại diện là Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế (MITI) đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm ra cách thức tối ưu và hiệu quả nhất để tiếp nhận lời đề nghị này từ phía Mỹ. MITI đã kết luận rằng, cách thức tốt nhất là phải thành lập được một tổ chức năng suất tương tự như Hội đồng Năng suất Anh quốc: một tổ chức ba bên, phi chính phủ, phi lợi nhuận và có sự tham gia của người lao động. Đầu năm 1955, Chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã trao đổi các văn bản chính thức về các chương trình hợp tác kỹ thuật và dẫn đến sự ra đời của Trung tâm Năng suất Nhật Bản - JPC vào tháng 3/1955.

Phát triển của phong trào năng suất và chất lượng trên phạm vi toàn quốc

Việc làm đầu tiên của JPC là cử các đoàn nghiên cứu đi khảo sát học tập kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển là Mỹ và Tây Âu. Với sự hỗ trợ về tài chính của Mỹ, tổng số đoàn đại biểu Nhật Bản do JPC cử đi nghiên cứu về năng suất đã lên tới 395 đoàn với 4.011 thành viên, trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các thủ lĩnh nghiệp đoàn, các nhà khoa học và các nhà chuyên môn. Việc chứng kiến tận mắt những thành tựu thực sự của nước Mỹ đã đem lại cho các chuyên gia Nhật Bản những bài học bất ngờ và thực sự bổ ích, điều nãy đã tạo thêm động lực cho họ để thúc đẩy phát triển phong trào năng suất và chất lượng trong những năm tiếp theo.

Thông qua những bản báo cáo, những hội nghị, hội thảo chuyên đề, các chuyên gia của JPC đã truyền đạt, chia sẻ những bài học và kinh nghiệm thu thập được ở nước ngoài với các đồng nghiệp trong nước. Ngoài ra, JPC đã mời các chuyên gia hàng đầu của Mỹ sang Nhật Bản tiến hành các cuộc hội thảo, và giảng bài trên toàn quốc, nhờ đó đã có nhiều chuyên gia Nhật Bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được đào tạo, phát triển kỹ năng và hình thành hàng loạt hiệp hội chuyên ngành, như Hội Tiếp thị Nhật Bản, Hội Kỹ thuật Công nghiệp Nhật Bản, Hội Chuyển giao Nguyên vật liệu Nhật Bản, Hội Công nghệ bao gói Nhật Bản, Hội các Hệ thống hậu cần Nhật Bản và cả Hội Người tiêu dùng Nhật Bản.

Phong trào năng suất đã phát triển nhanh chóng trên toàn lãnh thổ Nhật Bản với việc thành lập thêm 7 trung tâm năng suất địa phương bao gồm: Trung tâm Năng suất Hokkaido; Trung tâm Năng suất Kansai; Trung tâm Năng suất Shikoku; Trung tâm Năng suất Chugoku; Trung tâm Năng suất Kyushu; Trung tâm Năng suất Chubu và Trung tâm Năng suất Tohoku. Hiện nay phong trào năng suất Nhật Bản nhận được sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ của trên 10.000 thành viên bao gồm các tập đoàn kinh tế, công ty tư nhân, liên đoàn lao động, và các tổ chức kinh tế - xã hội khác.

b) Những thành tựu của phong trào năng suất và chất lượng tại Nhật Bản

Qua 45 năm hoạt động, phong trào năng suất và chất lượng đã góp phần quan trọng cho sự phát triển và thành công của nền kinh tế Nhật Bản. Một số thành tựu nổi bật là:

- Mối quan hệ giữa nhà quản lý và người lao động ở Nhật Bản đã được cải thiện một cách căn bản, từ đối đầu chuyển sang hình thức mang tính xây dựng vào bậc nhất thế giới trên cơ sở tin cậy và tôn trọng lẫn nhau;

- Tinh thần quản lý đã được thay đổi đáng kể, nhấn mạnh việc đánh giá và huy động sự cống hiến của người lao động là quan trọng nhất;

- Tầm quan trọng của việc tăng cường và bảo đảm chế độ tuyển dụng dài hạn, đào tạo và phát triển lâu dài nguồn nhân lực đã được ý thức và chấp nhận rộng rãi;

- Chất lượng đã trở thành công việc của tất cả mọi người. Xuất phát từ Mỹ, SQC (Kiểm soát chất lượng bằng thống kê) đã được các nhà quản lý Nhật Bản phát triển thành QCC (Nhóm kiểm soát chất lượng), TQM (Quản lý chất lượng toàn diện) và TQM (Duy trì năng suất tổng thể);

- Với cơ chế tham khảo lẫn nhau giữa nhà quản lý và người lao động do JPC đề xướng, một cách thức làm việc mới đã đã được xác lập qua đó các thông tin về quản lý được trao đổi rộng rãi với các nghiệp đoàn lao động và với tất cả nhân viên về những vấn đề như: Những nhiệm vụ cần hoàn thành hàng năm của tập thể, sự thay đổi về tổ chức, kế hoạch sử dụng vốn v.v…;

- Sự phân biệt về địa vị giữa cán bộ quản lý với người động, giữa lao động áo trắng và áo xanh đã được loại trừ hoàn toàn. Kết quả là chỉ có một người làm việc trong các công ty của Nhật Bản, đó là những người làm công ăn lương. Điều này tạo ra một tiền đề tốt cho việc xây dựng nên các nhóm công và đảm bảo sự chênh lệch về lương ở mức tối thiểu.

c) Bài học từ kinh nghiệm Nhật Bản

Vai trò của Chính phủ

Phong trào năng suất và chất lượng tại Nhật Bản được khởi xướng và phát triển với sự phê chuẩn và ủng hộ hoàn toàn của Chính phủ, kể cả ủng hộ về mặt tài chính. Sự cam kết và ủng hộ tích cực của Chính phủ và các cơ quan hữu quan được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc khởi dựng nền tảng vững chắc cho phong trào năng suất và JPC là tổ chức tiên phong, thực hiện vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy năng suất và tạo ra những nhận thức về năng suất một cách nhanh chóng trên khắp đất nước.

Mô hình JCP-SED là đại diện cho một trong những mô hình thành công, đã chỉ ra những nhân tố quan trọng phải có trong việc xây dựng và phát triển thành công Tổ chức Năng suất quốc gia (NPO) nói riêng, và phong trào năng suất quốc gia nói chung.

Vai trò của các ngành kinh tế, các nghiệp đoàn và các viện khoa học

Để phát triển phong trào năng suất dựa trên các cơ sở vững chắc, điều cần thiết phải tạo ra và duy trì được sự ủng hộ của mọi người dân nói chung và các ngành kinh tế, các nghiệp đoàn, đội ngũ các nhà khoa học nói riêng. Ở trường hợp của Nhật Bản, những tháng ngày khó khăn vất vả đối với cả nền kinh tế đất nước cũng như với mỗi cá nhân đã tạo ra được sự đồng tâm nhất trí trên phạm vị toàn quốc là cần phải làm gì đó để đạt được một nền kinh tế tự duy trì và nâng cao mức sống cho người dân. Để làm được điều này, việc cải tiến năng suất và chất lượng được xem như mục tiêu quốc gia.

Về mặt hoạt động, mối liên kết chặt chẽ và ủng hộ tích cực của các ngành kinh tế, các nghiệp đoàn và các viện khoa học được xem là vừa hữu ích vừa cần thiết cho sự phất triển thành công phong trào năng suất với 2 lý do sau:

- Về cơ bản, NPO chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ hay xúc tác, còn các ngành kinh tế (người quản lý) và các nghiệp đoàn lao động mới đóng vai trò chính. Bất cứ một thông tin hay chương trình bổ ích nào đó NPO đưa ra sẽ trở nên vô hiệu nếu như những người đóng vai trò chính (công nghiệp và nghiệp đoàn) không vui lòng và sẵn sang lắng nghe, thực hiện.

- Tổ chức Năng suất quốc gia phải giải quyết những vấn đề trong phạm vi rộng lớn. Hơn nữa, tùy thuộc vào trình tự ưu tiên của các vấn đề trong mỗi giai đoạn phát triển công nghiệp, các lĩnh vực then chốt cũng sẽ thay đổi và các vấn đề mới sẽ nảy sinh. Trong hoàn cảnh như vậy, NPO sẽ không thể đáp ứng được do hạn chế về nhân lực và cả tài chính. Do đó, sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia bên ngoài, các ngành kinh tế, các viện khoa học cùng với sự cam kết hỗ trợ tài chính từ phía chính phủ sẽ định hướng và mang lại hiệu quả to lớn cho phong trào năng suất quốc gia.

Bài viết liên quan
Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN  Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

Hãy đến với "Hội nghị Giao thương Việt -Hàn" lần thứ 1

Hãy đến với "Hội nghị Giao thương Việt -Hàn" lần thứ 1

Đăng ký nhận tư vấn