TRANG NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO CỦA TS. ĐINH VIỆT HOÀ

Tự do đến từ tri thức - Knowledge sets freedom

Long trọng Lễ kỷ niệm 10 năm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4

Hôm nay (17/4/2018), tại Hà Nội, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp với các ban, ngành và cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo và Lễ kỷ niệm 10 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/04/2008 – 20/04/2018).

Đến dự chương trình, có các vị: Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường; PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Bộ môn quản trị thương hiệu (Trường Đại học Thương mại); đại diện vụ I- Văn phòng Chính phủ;  Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại- Bộ Công thương; ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam; tiến sĩ Đinh Việt Hòa, Chủ tịch hiệp hội khởi nghiệp quốc gia Việt Nam; Chủ tịch hiệp hội thương hiệu Hàn Quốc; ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup; các chuyên gia nghiên cứu về thương hiệu và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước.

Tại chương trình, nhiều đại biểu đã phát biểu tham luận, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại và chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển thương hiệu.

Quang cảnh buổi Hội thảo và Lễ kỷ niệm 10 năm ngày Thương hiệu Việt Nam

Phát biểu tại chương trình, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, để tiến tới xây dựng một quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ đa dạng và phong phú với chất lượng cao, thì việc xây dựng thương hiệu là một đòi hỏi cấp thiết. Khi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, xây dựng được thương hiệu đạt chuẩn - sẽ dần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập. 

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam phát biểu tại chương trình

Ngày 11/4/2008, sau khi xét đề nghị của Bộ Công Thương tại Văn bản số 2522/BCT-XTTM ngày 31/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tại Thông báo số 2343/VPCP-KTTH về việc lấy ngày 20/4 hằng năm là ngày Thương hiệu Việt Nam.

Sau 10 năm, với sự quan tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa gắn với thương hiệu Việt khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp… Để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan, thuế, biên phòng, cảnh sát biển... cần nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa. Chủ động nắm bắt địa bàn, nhận diện đối tượng để kịp thời phát hiện, xử lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng phải lên tiếng, đề xuất để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chống hàng gian, hàng giả.

Bên canh đó, cơ quan quản lý nhà nước, một mặt cần đẩy mạnh đăng ký thương hiệu sản phẩm, mặt khác cần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý chất lượng sản phẩm trên thị trường. Người tiêu dùng, doanh nghiệp cần chủ động phát hiện, tố cáo hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản phẩm kém chất lượng…

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia 

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, hiện nay vấn đề bảo vệ thương hiệu đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Có một thực tế hiện nay đó là Việt Nam đang quá chú trọng đến xây dựng thương hiệu mà chưa chú trọng đến việc tăng chất lượng sản phẩm. Điển hình nhất là về sản phẩm thủy sản, khi xuất khẩu bị “tuýt còi” về chất lượng, từ đó tạo ra hiệu ứng tiêu cực, sự không ổn định trong thị trường xuất khẩu mặt hàng này…

Để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cần duy trì chất lượng sản phẩm của mình. Các hiệp hội, tổ chức xã hội cần vào cuộc, nâng cao vai trò quản lý, có định hướng tuyên truyền về sản phẩm để người tiêu dùng có thể nhận biết sản phẩm có chất lượng tốt; đồng thời truyền tải kiến nghị của doanh nghiệp, người tiêu dùng về sản phẩm kém chất lượng đến cơ quan quản lý nhà nước…

Với sự vào cuộc kịp thời của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định chất lượng sẽ từng bước được kiểm soát và đẩy lùi, góp phần đưa nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Từ đó, các doanh nghiệp ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa gắn với thương hiệu Việt khẳng định vị thế trên thương trường.

Cũng tại buổi lễ, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã biểu dương các đơn vị đã đạt thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động và xây dựng thương hiệu.

Nguồn - https://thuonghieucongluan.com.vn/ - BBT

Bài viết liên quan
Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN  Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận tư vấn