TRANG NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO CỦA TS. ĐINH VIỆT HOÀ

Tự do đến từ tri thức - Knowledge sets freedom

Cuộc chiến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Cuộc chiến bằng sáng chế qua lại giữa Huawei và Samsung trong thời gian gần đây là một điển hình cho thời kỳ kinh tế mới ở châu Á

Cuộc chiến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Cuộc chiến bằng sáng chế qua lại giữa Huawei và Samsung trong thời gian gần đây là một điển hình cho thời kỳ kinh tế mới ở châu Á – kinh tế kết nối. Qua đó, các hãng công nghệ nơi khu vực này nhận thấy rằng bằng sáng chế chính là thứ vũ khí chiến lược của họ.

Tại sự kiện Diễn đàn kinh tế thế giới đầu năm nay, các vị lãnh đạo chính phủ và các chuyên gia đã cùng định nghĩa lại nền kinh tế mới hiện nay là kinh tế kết nối, và giá trị lớn nhất của nền kinh tế này nằm trong các bằng phát minh sáng chế. Định nghĩa này đồng nghĩa với sự chấm dứt thời kỳ chi phối của triết lý “đi tắt đón đầu”, với nhân công giá rẻ làm nơi thu hút nguồn vốn và công nghệ, với thủ thuật sao chép, bắt chước, thậm chí sử dụng tình báo ăn cắp công nghệ làm nguồn lực cho sự phát triển nhảy vọt nền kinh tế.

Trung Quốc – nơi khởi đầu của các cuộc tranh cãi

 

Trung Quốc là nước áp dụng mạnh mẽ triết lý đi tắt đón đầu để tạo nên sự thịnh vượng cho quốc gia đông dân nhất thế giới, và qua đó hình thành những tập đoàn kinh tế khổng lồ mà không cần phải khổ công đầu tư cho quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D). Nhưng với định nghĩa kinh tế kết nối, Trung Quốc bắt đầu phải bảo vệ chính các bằng sáng chế ít ỏi của mình, và tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên công ty công nghệ lớn của nước này là Huawei đã đâm đơn kiện Samsung của Hàn Quốc về việc sử dụng các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ kết nối viễn thông 4G LTE cho các dòng điện thoại mới.

Huawei đã khởi đầu cuộc chiến bằng việc nộp đơn kiện đối thủ tại cả hai tòa án ở Trung Quốc và ở Mỹ nhằm đòi Samsung bồi thường cho việc sử dụng không xin phép công nghệ viễn thông 4G cùng với những vi phạm bản quyền liên quan đến hệ điều hành (Operator System) và phần mềm hệ thống. Giám đốc bộ phận Quyền sở hữu trí tuệ, ông Ding Jianxing, nói rằng “chúng tôi mong Samsung chấm dứt việc vi phạm bằng sáng chế và bàn bạc với Huawei về phép sử dụng các bằng sáng chế nhằm hợp tác với nhau đẩy nền kỹ nghệ tiến lên phía trước”.

Các nguồn tin cho biết Huawei đã đòi khoản bồi thường lên đến 12 triệu đô la Mỹ cho 11 bằng sáng chế bị xâm phạm liên quan đến việc Samsung đưa công nghệ viễn thông thế hệ thứ 4 (4G) vào trong các dòng điện thoại thông minh mới nhất, bao gồm Samsung Galaxy S7, Galaxy S7 edge và Galaxy J5. Nhà sản xuất điện thoại của Trung Quốc cho rằng họ đã bị vi phạm 6/12 sáng chế cốt lõi về công nghệ 4G, và Samsung đã sử dụng chúng trong tất cả các dòng điện thoại hỗ trợ công nghệ LTE. Samsung, công ty dẫn đầu thị trường điện thoại đang có trong tay hơn 50.000 bằng sáng chế, nhưng cũng là công ty luôn bị “dội bom” bởi những vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có vụ kiện được phát động bởi Apple đòi khoản bồi thường lên hơn 1 tỉ đô la.

Lẽ dĩ nhiên, kết quả cuối cùng sẽ tùy thuộc vào việc Samsung có công nhận rằng họ đang sử dụng những sáng chế này của Huawei hay không, và vào phán quyết của các tòa án. Nhưng một nguồn tin ngay sau đó từ người đứng đầu bộ phận sở hữu trí tuệ Ahn Seong-ho đã ám chỉ rằng Samsung sẽ trả đũa Huawei cũng bằng một vụ kiện xâm phạm bản quyền. Trong khi doanh thu của Samsung chủ yếu đến từ việc bán điện thoại thì doanh thu chính của Huawei cho đến nay là khai thác hạ tầng viễn thông mà công nghệ LTE của công ty này đang tạo nên ưu thế trên thị trường di động 4G. Từ đây, Huawei nhanh chóng đầu tư vào ngành sản xuất điện thoại, trở thành đối thủ trực tiếp của Samsung, và trong khi thị phần Android của Huawei năm 2015 tăng từ 5,4 lên 8,35% thì thị phần của công ty đứng đầu ngành sản xuất điện thoại lại giảm sút từ 24,1 xuống 23,2%.

Hai tháng sau khi bị kiện, Samsung đã chính thức đánh phủ đầu Huawei bằng vụ kiện sử dụng trái phép sáu bằng sáng chế cho các dòng điện thoại thông minh Android đời mới mà Huawei – vốn đang đứng thứ ba trên toàn cầu sau Samsung và Apple về sản xuất thiết bị thông minh – đã đưa vào sản phẩm, bao gồm thương hiệu Honor và Mate 8. Samsung đã nộp đơn kiện tại một số tòa án (không nói tên) ở Trung Quốc vào giữa tháng 7 vừa qua, với mức đòi bồi thường lên đến 24,1 triệu đô la đi kèm yêu cầu cấm công ty Trung Quốc này sản xuất những sản phẩm vi phạm bản quyền. Samsung cho biết họ đã chân thành thương lượng về việc cấp giấy phép sử dụng các bằng sáng chế cho đối tác nhưng không thành, cuối cùng phải chọn con đường pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.

Tự bảo vệ bằng bản quyền sáng chế

Việc bị nhái mẫu hàng hóa hay đánh cắp công nghệ luôn là điều nhức nhối của các nhà sản xuất, và những việc đó thường rất nghiêm trọng đối với những thị trường lớn như Trung Quốc. Vào tháng 3 năm nay, Oppo – nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc đang vươn lên vị trí thứ 8 trên cả Sony, BlackBerry và Microsoft – đã cho ra mắt hai dòng điện thoại hạng sang Oppo R9 và R9 Plus y hệt iPhone, và ngay lập tức nhận được những “gạch đá” từ cộng đồng về sự sao chép trơ trẽn này. Từ lâu Trung Quốc đã là điểm nóng cho các vụ vi phạm bản quyền và bằng sáng chế một cách công khai, nhưng nay nhiều công ty ở đây bắt đầu áp dụng chính sách hai mặt, vừa tiếp tục sao chép kiểu dáng và ăn cắp công nghệ, lại vừa “la làng” về những công nghệ đặc quyền từ vị trí địa lý của mình.

Cuộc chiến bằng sáng chế sẽ rất khốc liệt, và trong khi Trung Quốc mất dần thế mạnh trong việc sử dụng nhân công giá rẻ thì các công ty công nghệ nơi đây phải tìm cách bảo đảm lâu dài việc kinh doanh của mình trên thị trường quốc tế và cả quốc nội bằng việc xin quyền khai thác hay sở hữu các bằng sáng chế. Năm ngoái công ty điện thoại giá rẻ Xiaomi Corporation đã nộp đơn đăng ký 3.700 bằng sáng chế, và nay tiếp tục thương lượng với Microsoft về khoảng 1.500 bằng sáng chế khác. Ở một quy mô lớn hơn, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ 4.0, trong đó các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ mới có ý nghĩa sống còn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng đang nhập cuộc, và thay vì tập trung vào việc bảo đảm việc làm cho nhân công, họ bắt đầu chấp nhận robot nhằm bắt kịp trình độ công nghệ thế giới.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ 4.0 hay cách mạng kết nối không chỉ đẩy nhanh cách mà con người tạo ra sản phẩm và phân phối chúng, mà còn tạo nên hiện tượng kết nối toàn cầu về lời nói, hình ảnh, ý tưởng, dữ liệu, thiết kế và phương tiện truyền thông đến cho mọi người ở bất cứ nơi đâu theo thời gian thực. Bằng việc đặt tất cả những sức mạnh và quyền lực đó vào loại thiết bị rẻ tiền có thể mang theo trong túi đến bất cứ nơi đâu, cuộc cách mạng kết nối đã nhanh chóng đến với mọi người nơi mọi nền kinh tế, đã phát triển hoặc đang phát triển. Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho biết chỉ sau 15 năm, số lượng thiết bị kết nối 3G và 4G đã lên gần 3 tỉ, cước sử dụng đã giảm đến 99% tính trên Megabyte kể từ năm 2005 đến 2013, và giá bình quân một chiếc điện thoại thông minh nay chỉ vào khoảng 40 đô la.

Khuôn khổ luật pháp bảo vệ bằng sáng chế

Một lớp người trẻ mới gọi là thế hệ Z đã bắt đầu nhập cuộc với nhu cầu nói chuyện bằng video với gia đình và bạn bè trên khắp thế giới, vào bất cứ lúc nào. Những sáng kiến về chăm sóc sức khỏe di động kết nối bệnh nhân với bác sĩ và bệnh viện ở bất cứ nơi đâu, trong khi các chương trình giáo dục di động đang tăng cường tài nguyên cho thầy giáo cũng như học sinh nơi các vùng trũng về đào tạo. Nền chính trị tại tất cả các nền kinh tế đang định nghĩa lại vai trò của truyền thông xã hội. Thêm vào đó, các quốc gia chấp nhận cũng như tạo điều kiện dễ dàng cho thương mại di động đang tự trang bị cho mình những công cụ kinh doanh mới nhằm tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhưng những tiến bộ công nghệ và lợi ích kinh tế này chỉ có thể bắt nguồn từ một khuôn khổ luật pháp khả dĩ làm cho các phát minh sáng tạo có thể ra đời và đến được với thị trường. Khuôn khổ đó chính là quyền sở hữu trí tuệ.

Công ty tư vấn BCG cho biết các nhà công nghệ kết nối 2G, 3G và 4G, trong đó có Qualcomm, đã phải chấp nhận rủi ro rất lớn khi đầu tư vào hoạt động R&D trong lĩnh vực này mà không có gì bảo đảm cho việc thu hồi vốn. Các công ty công nghệ di động cốt lõi đã phải đầu tư đến 21% doanh thu vào R&D, cao nhất trong các ngành kỹ nghệ ngoại trừ công nghệ sinh học. Sự tưởng thưởng cho việc đầu tư này chính là quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm cho các công ty sáng tạo, các nhà đầu tư và người phát minh sáng chế thành công trên thị trường, và vì thế bằng sáng chế cần phải được bảo vệ. Con người đang bước vào cuộc cách mạng kết nối từ ngôi nhà, chiếc xe đến mọi thứ, tạo thành một hệ sinh thái kết nối mọi vật, và một hệ thống bảo vệ vững chắc bằng sáng chế sẽ dẫn đến các sáng tạo công nghệ vun đắp cho hệ sinh thái này.

Trước mắt, cuộc chiến bảo vệ bằng sáng chế sẽ còn khốc liệt, và cuộc chiến này đã lan sang châu Á khi các nền kinh tế tại đây hướng đến cuộc cách mạng kỹ nghệ 4.0 mà phần cốt lõi của hệ thống kinh tế mới này chính là tính kết nối. Theo sự tính toán sơ bộ của Frontier Economics thuộc tổ chức International Chambers of Commerce thì các khoản vi phạm bản quyền về kỹ thuật số đã lên tới 75 tỉ đô la trong năm 2008, và lên khoảng 215 tỉ đô la vào năm ngoái. Hiện tượng ăn cắp và vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong kỹ thuật số đã trở thành một thứ đại dịch, và nay đã đến lúc các nền kinh tế, các công ty phải chấp nhận luật chơi chung nhằm tự bảo vệ chính các bằng sáng chế của mình.
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Why patents matter more than ever in the new economy (https://www.weforum.org)
- Intellectual property rights in Today's digital economy (http://www.itu.int)
- Huawei files lawsuit against Samsung over alleged patent infringements (http://www.phonearena.com)
- Samsung vs. Huawei patent war continues: Samsung fires back (http://www.phonearena.com)

Bài: Hoàng Việt
Nguồn: Thesaigontimes.vn

Bài viết liên quan
Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

Chủ tịch PAILEMA dự hội thảo về giáo dục việt Nam 2021 do Quốc hội tổ chức

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN  Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

KHAI GIẢNG LỚP DOANH NGHIỆP TẠI 4 THÀNH PHỐ LỚN Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh

Đăng ký nhận tư vấn