Gắn với hoạt động từ thiện luôn đem lại hình ảnh tốt đẹp cho các thương hiệu. Trong các thảm họa thiên nhiên hay khủng hoảng nhân đạo, các thương hiệu làm từ thiện chính là lúc thể hiện trách nhiệm xã hội và “đền đáp” lại xã hội.
Khi thương hiệu gắn với từ thiện
Tỷ phú Mỹ Warren Buffet, khi quyết định tặng gần 4 tỷ USD cho năm quỹ từ thiện, nói: “Tôi trả lại cho xã hội những gì đã góp nhặt từ xã hội”. Và càng “thực tâm” làm từ thiện thì thương hiệu càng có sức sống lâu bền đối với người tiêu dùng. Chương trình tiếp thị nhân đạo “Loads of Hope” được đánh giá là quan trọng nhất trong lịch sử sáu mươi năm của thương hiệu Tide.
Trên bao bì mới của Tide là khuôn mặt thật của những người mà Tide đã giúp đỡ, trong số đó có các nạn nhân của cơn bão Katrina. Tính đến thời điểm này Tide đã sản xuất được hơn 300 ngàn túi bột giặt sạch cho cư dân đang gặp khó khăn tại New Orleans. Đây cũng được xem là đợt truyền thông hiệu quả nhất của Tide trong nhiều thập kỷ qua.
Cho đến nay, qua nhiều cuộc tranh cãi, xã hội đã chấp nhận hoạt động từ thiện có thể gắn kết với việc làm thương hiệu. Vấn đề là các thương hiệu đó “thành tâm” đến đâu khi đến với những người gặp hoạn nạn.
Mỗi thương hiệu sẽ có một cách làm từ thiện khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là sự hỗ trợ đến được với người gặp hoạn nạn trong thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Chẳng hạn, trong thảm họa động đất mới xảy ra tại Nhật Bản, các nhãn hàng lớn nhất của Mỹ đi đầu trong hoạt động từ thiện và cứu trợ. Hãng sữa Abbott quyên góp 3 triệu USD cho Hội Chữ Thập đỏ Nhậït Bản.
Trong khi đó, AT&T và Verizon cung cấp dịch vụ di động và nhắn tin miễn phí cho các thuê bao tại Nhật. Còn hãng Coca-Cola, ngoài 7,3 triệu USD tiền mặt còn cung cấp các máy uống nước miễn phí tại Nhật.
Microsoft cam kết hỗ trợ 2 triệu USD tiền mặt và tặng 90 ngày miễn phí phiên bản Microsoft Exchange online cho các doanh nghiệp, cá nhân tại các khu vực bị thiên tai.
Nhờ vào sự trợ giúp của Twitter trong nỗ lực kêu gọi quyên góp cho người dân Nhật đang gặp nạn, Hội Chữ Thập đỏ Hoa Kỳ đã nhận được hơn 1 triệu USD từ dịch vụ tin nhắn gửi đến từ khắp nước Mỹ…
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn