Văn hoá được hiểu như một hệ thống những chuẩn mực và giá trị mà những thành viên trong cộng đồng tác động lẫn nhau, thực hiện và sự tác động ấy tạo nên một sự khác biệt. Và, cũng như nhà xã hội học Anh, Tylor cuối thế kỷ 19 cho rằng, văn hoá được hiểu như là một sự văn minh mà trong đó nó chứa đựng cả về những vấn đề trí thức, luật lệ, nghệ thuật, nhân bản, niềm tin và tất cả những khả năng mà những người trong cộng đồng đó lĩnh hội và thực hành.
Và, nếu văn hoá là những hệ thống chuẩn mực và giá trị mà mọi người trong một cộng đồng người được chia sẻ thực hiện, thì Văn hóa doanh nghiệp cũng là những chuẩn mực hay những giá trị mà những người trong công ty cùng được chia sẻ và tuân thủ theo. Tuy vậy, một vấn đề phải được hiểu rằng, Văn hóa doanh nghiệp không có nghĩa rằng nó phải bền vững, hay bất di bất dịch, mà nó cởi mở, luôn luôn được lĩnh hội, trau dồi, và đôi khi bị mất đi. Tức là có một sự giao thoa về văn hoá.
Ví dụ, trong công ty thường xuyên có những người đến, rồi có những người đi, trong số những người đến và đi ấy có cả những người nắm những vai trò rất quan trọng của tổ chức. Những người đi, nếu họ là những người trong ban lãnh đạo – những người có tầm ảnh hưởng lớn, thì sự ra đi của họ sẽ là một sự mất mát lớn về khí thế cũng như sự thúc đẩy cho Văn hóa doanh nghiệp, công ty có thể bị xáo trộn. Còn những người đến, họ cũng mang theo những giá trị, văn hoá mang đặc thù cá nhân của họ. Cũng có những yếu tố tích cực theo cách thức của công ty, song nó cũng có những mảng mang tính chất tiêu cực. Dù vậy, bất kể có những người đến và đi, nếu một công ty có một Văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, thì sự thay đổi đó không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu công ty đó yếu về mảng này, thì thực sự nó sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Có thể nó mang đến sự ảnh hưởng tốt, cũng như những ảnh hưởng xấu.
Văn hóa doanh nghiệp rất cần thiết cho một doanh nghiệp, nó có thể làm cho một tổ chức doanh nghiệp phát triển, và nếu thiếu nó, sẽ làm cho công ty lụi tàn. Theo những nghiên cứu của những nhà xã hội học Mỹ thì những công ty tuân thủ và thực hiện một Văn hóa doanh nghiệp chính đáng, thì giá trị của nó có thể sẽ tăng lên 200%, và có nhiều doanh nghiệp còn đạt được hiệu quả cao hơn như những công ty General Electric (GE), Southwest Airline, ConAgra, IBM,…
Một công ty có một môi trường văn hóa luôn luôn chứa đựng:
– Một tầm nhìn rõ ràng
– Một sứ mệnh và nhiệm vụ cụ thể
– Kiên định trong mục tiêu
– Mạnh mẽ trong lãnh đạo
– Tuyển những người tài giỏi
– Tự do trong hợp tác
– Quyền lực được chia sẻ
– Mục tiêu là khách hàng
– Ý tưởng được xem xét
– Cải tiến được ủng hộ
– Thành công được ghi nhận…
Cho dù mức độ ưu tiên thực hiện cho mỗi công ty có khác nhau (ví dụ như GE, thì đẩy mạnh vấn đề tuyển người tài và ủng hộ cải tiến kỹ thuật, Southwest Airline thì phát triển mảng mục tiêu khách hàng, còn Visa thì ủng hộ vấn đề ý tưởng)… song tất cả những công ty lớn và thành công trên thế giới đều tuân thủ kiên định thực hiện những nhiệm vụ trên.
Một câu hỏi được đặt ra rằng, tại sao Văn hóa doanh nghiệp lại có tầm quan trọng đến như vậy? Chúng ta có thể khẳng định:
1. Văn hóa doanh nghiệp tạo cho mỗi thành viên hiểu được giá trị của bản thân họ đối với công ty
Một tổ chức chỉ có thể phát triển khi tất cả mọi thành viên đều hiểu được họ đang đi đâu? Họ đang làm gì? Và vai trò của họ đến đâu? Với những mục tiêu rất cụ thể, họ được sống trong một môi trường tự do cống hiến, chia sẻ ý tưởng, được ghi nhận khi thành công… tất cả đều được hiểu rằng, họ là thành phần không thể thiếu của công ty. Họ như một mắt xích trong một chuỗi dây truyền đang hoạt động. Và nếu mắt xích đó ngừng hoạt động, toàn bộ hệ thống cũng phải ngừng theo.
Một người được mệnh danh là Socrates của Hoa Kỳ, Tiến sỹ Stenphen R. Convey, tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng “Bảy thói quen của những người hiệu quả” đã khẳng định “Không tham gia, thì sẽ không bao giờ có thi hành”. Hay nói một cách khác rằng, họ đang thi hành công việc của tổ chức, vì họ đã được ghi nhận tham gia. Họ có cảm giác như đang được làm cho chính bản thân họ. Một dẫn chứng hùng hồn cho nhận định này là môi trường làm việc tại hãng hàng không Southwest Airlines. Hãng hàng không này, là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới thực hiện bán cổ phần cho nhân viên. Ngoài một văn hoá cởi mở, nhân viên ở đây đã làm việc một cách hăng say, vì họ đang làm việc cho chính bản thân họ.
2. Văn hóa doanh nghiệp tạo cho tất cả mọi người trong công ty cùng chung thân làm việc, vượt qua những giai đoạn thử thách, những tình thế khó khăn của công ty và họ có thể làm việc quên thời gian.
Một sự đoàn kết, một khí thế làm việc của công ty cần thiết nhất khi công ty ấy đang ở trong thời kỳ khó khăn, thử thách, đặc biệt là những công ty đang trên bờ vực của sự phá sản. Tất cả mọi thành viên của công ty cần tinh thần đoàn kết và hy sinh. Công ty có cấp độ càng cao, có ảnh hưởng lớn thì các thành viên càng cần phải hy sinh nhiều hơn. Để vượt qua những tình thế khó khăn, công ty cần một sức mạnh tổng lực để chống đỡ và sức mạnh ấy chỉ đạt được khi nó có một Văn hóa Doanh nghiêp – văn hóa của sự hy sinh, văn hoá của sự đoàn kết.
Một dẫn chứng tiêu biểu cho văn hoá này là Lee Iacocca và nhân viên công ty Chrysler của ông. Năm 1978, khi ông vừa bước chân tới, công ty đang rơi vào tình cảnh phá sản, với 130.000 cán bộ công nhân viên có nguy cơ thất nghiệp. Ông và các cộng sự của ông đã đưa cào một văn hoá của sự hy sinh quên mình. Ai ai cũng cố gắng làm việc. Tất cả vì sự sống còn của công ty. Vì sự bình an của mọi người. Tuy nhiên, một điều hiển nhiên rằng, trong tình cảch khó khăn, sự hy sinh của một người sẽ không bao giờ mang lại thành công, nhưng phải cần một tập thể hy sinh.
3. Văn hóa doanh nghiệp tạo được sự khích lệ, động lực cho mọi người và trên hết tạo nên khí thế của một tập thể chiến thắng
Trong một thế giới, khi những chuẩn mực của xã hội về sự thành công không còn được đo bằng sự thành công của một cá nhân nữa, mà nó được đẩy lên tầm tập thể. Và cho dù trên góc độ cá nhân, thì cá nhân đó sẽ không bao giờ được coi là thành công, nếu tập thể của anh ta không thành công. Một quan niệm mới cho lãnh đạo hôm nay là, “team work is dream work,” tức là chỉ có làm việc tập thể thì giấc mơ thành công của ta mới thành hiện thực. Hay nói một cách khác, khả năng lãnh đạo được đo bằng khả năng lãnh đạo một tập thể. Một tập thể càng lớn thì khả năng lãnh đạo càng cao, và một công việc càng có nhiều người cùng tham gia thì công việc đó càng sớm được hoàn thành.
Thử tưởng tượng, nếu tất cả mọi người đều trong khí thế của những người chiến thắng, khí thế của những người đang trên con đường tiến tới vinh quang? Với họ không bao giờ có con đường thứ hai ngoài chiến thắng. Điều này vô cùng cần thiết, vì tất cả mọi người đều tập trung vào một mục tiêu. Khi họ đã đặt vào một mục tiêu cho một tập thể chiến thắng thì tất cả họ đều muốn đồng lòng, cùng chung sức để thực hiện. Tinh thần tập thể đều phấn chấn. Đó là chìa khoá cho sự thành công và cũng là chìa khoá cho sự đoàn kết. Và để có được một tập thể chiến thắng ấy chỉ khi có một Văn hóa doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ của một bài viết có hạn, khi đề cập đến một vấn đề mang tính chất vĩ mô này. Tất nhiên, hơn ai hết, tôi hiểu rằng nó cần phải bổ xung ý kiến rất nhiều từ chính quý vị, (và nếu có thể chúng ta cùng thảo luận.) Những người đang hăng say trên con đường xây dựng sự nghiệp, con đường xây dựng một đế chế cho riêng mình. Với tôi, tôi cũng xin hoà nhập vào ý tưởng của cuốn sách rất nổi tiếng, “Tại sao chúng tôi muốn bạn giàu,” rằng làm giàu là một bổn phận. Một khi mỗi người chúng ta đã giàu có thì gánh vác xã hội sẽ được nhẹ đi. Song, sự thành công ấy chỉ có thể đến khi chúng ta tiếp tục xây dựng một nếp sống có sự chia sẻ trách nhiệm, hy sinh, chia sẻ quyền lợi, ai ai cũng được tôn trọng và ghi nhận và trên hết, vì mục tiêu thắng lợi của công ty… tất cả đều tựu trung lại, Văn hóa doanh nghiệp.
TS.Đinh Việt Hòa