Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những thiếu sót mà không nhìn thấy những gì họ làm được là không khách quan, không khoa học, đôi khi vô tình làm mất đi những lãnh đạo tốt. Và, một khi nhà lãnh đạo là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, thì mọi người sẽ đi theo nhà lãnh đạo còn mạnh mẽ hơn cả bản thân họ.
LTS: Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của Làn sóng thứ ba – Làn sóng công nghệ thông tin. Làn sóng mà Peter F. Ducker đã phải thốt lên, “Cứ vài trăm năm trong lịch sử các nước phương Tây đều diễn ra những cuộc thay đổi… Và trong vòng vài thập niên, trật tự xã hội lại được sắp xếp lại – từ bộ mặt thế giới, đến những giá trị nền tảng; từ những cấu trúc xã hội đến cấu trúc chính trị; hay thậm chí có cả những cấu trúc nhân văn. Năm mươi năm sau đó là một thế giới mới.
Và những người của thời đại mới không thể hình dung ra được cái thế giới mà ông bà của họ sống, hay thậm chí họ cũng không thể hình dung cái thời kỳ cha mẹ của họ sinh ra.” Và, sống trong thời đại thay đổi ấy lại càng phải có những nhà lãnh đạo có đủ tầm nhìn, có đủ khát khao và nghị lực để thực hiện sứ mệnh tạo nên sự khác biệt.
Đam mê dân tộc
Trong một cuốn sách có tiêu đề Making a life, Making a living, Mark Albion đã viết về một nghiên cứu các thương nhân, những người đã đi hai con đường khác nhau sau khi tốt nghiệp. Nghiên cứu ấy đã tập trung vào 1.500 sinh viên tốt nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 1960 – 1980. Nhóm sinh viên này được chia làm hai loại dựa vào hai tiêu chí khác nhau: nhóm A gồm 1.245 sinh viên (83%), họ là những người muốn kiếm tiền trước, sau đó mới làm điều họ thực sự thích. Nhóm B bao gồm 255 sinh viên (17%) thì ngược lại, họ theo đuổi đam mê trước.
Cuộc nghiên cứu đã cho kết quả rất ngạc nhiên, sau 20 năm, trong số họ đã có 101 triệu phú, 100 triệu phú được sinh ra từ nhóm B và chỉ có 1 triệu phú được đến từ nhóm A. Tác giả của nhóm nghiên cứu này đã bày tỏ, “đa số những người trở nên giàu có là nhờ làm những việc họ cảm thấy thật sự bị lôi cuốn. May mắn nảy sinh từ sự cống hiến vô điều kiện mà họ dành cho lĩnh vực yêu thích.” Theo tác giả của rất nhiều cuốn sách nổi tiếng về lãnh đạo John C. Maxwell, thì một khi nhà lãnh đạo theo đuổi đam mê, họ sẽ tạo ra nhưng điều khác biệt. Niềm đam mê tiếp thêm cho họ năng lượng và ước mơ. Nó mang đến cho họ ý chí để chiến thắng.
Với vai trò của một nhà lãnh đạo nói chung và đặc biệt những nhà lãnh đạo quốc gia nói riêng, niềm đam mê cao cả nhất, như lời Bác Hồ mong muốn, “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành,” và xa hơn là “không có gì quý hơn độc lập, tự do.” Tức là tạo dựng một cuộc sống mà mọi người đều có quyền được lựa chọn.
Một trong những nguyên tắc về lãnh đạo chỉ ra rằng, nếu ai đó khao khát trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại, người đó phải cưỡng lại ham muốn đấu tranh bảo vệ ý tưởng của mình khi nó không phải là ý tưởng hay nhất.
Và chính sự đam mê ấy tạo dựng nên những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược phù hợp và mang bản sắc riêng của dân tộc, không chỉ có vậy, họ còn có thể đưa tất cả mọi người đến để chiêm ngưỡng tầm nhìn ấy. Hơn ai hết, những nhà lãnh đạo luôn hiểu rằng, “Ai ai cũng có thể lái được con tàu, nếu có một nhà lãnh đạo vẽ cho họ hải trình.”
Câu hỏi được đặt ra rằng, cái đích của hải trình đó như thế nào, nó có đáp ứng được nhu cầu phát triển của dân tộc trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế quốc tế không? Nó có được xuất phát từ một sự đam mê chính đáng của một dân tộc, hay chỉ xuất phát từ những đam mê của sự tư lợi, tham lam, ích kỷ của một số phần tử?
Đúng như câu nói rất nổi tiếng của Napoleon Hill rằng, “Bạn không thể thay đổi xuất phát điểm, nhưng bạn có thể thay đổi hướng bạn đang đi. Vấn đề không phải bạn định làm gì, mà vấn đề bạn đang làm có ý nghĩa gì.” Và, nếu nó thật sự có ý nghĩa thì đó chính là thể hiện niềm đam mê của cả dân tộc.
Đam mê của một nhà lãnh đạo là hình chiếu từ đam mê của cả dân tộc!
Sức mạnh từ sự chia sẻ
Trong một giai thoại về William Shakespeare, có kể về một câu chuyện mà ông đã dạy các học trò của mình. Ông trao cho nhóm học trò mỗi người một quả táo và bảo họ hãy trao đổi cho nhau. Rồi ông hỏi họ, cuối cuộc trao đổi, trên tay mỗi người còn lại bao nhiêu quả táo? Tất cả mọi người đều trả lời, “Thưa thầy, chỉ có 1 quả.” Ông bảo, đúng rồi, theo nguyên tắc của sự trao đổi, chúng ta sẽ nhận lại được đúng như phần đã cho đi.
Tuy nhiên, ông yêu cầu các học trò của mình hãy thay quả táo bằng một thứ gì đó, mà sau khi trao đổi, người tham gia sẽ có bội số. Tất cả mọi người đều không tìm được câu trả lời. Ông liền nói, đó chính là Ý Tưởng.
Quả thực, nếu mỗi người có một ý tưởng và cũng thực hiện cuộc trao đổi cho nhau, thì những người tham gia cuộc trao đổi ấy sẽ có nhiều hơn, vì họ sẽ được học hỏi từ chính những người trong cuộc. Cuộc trao đổi càng có nhiều người tham gia, thì ý tưởng càng được gia tăng.
Một trong những nguyên tắc về lãnh đạo chỉ ra rằng, nếu ai đó khao khát trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại, người đó phải cưỡng lại ham muốn đấu tranh bảo vệ ý tưởng của mình khi nó không phải là ý tưởng hay nhất. Vì những ý tưởng xuất sắc rất quan trọng cho tổ chức. Để có những ý tưởng hay, người lãnh đạo phải biết lắng nghe tất cả ý kiến, thậm chí có những ý tưởng tưởng chừng như ngớ ngẩn. Tuy nhiên, có thể những ý tưởng ngớ ngẩn ấy, lại làm thay đổi cục diện, như đúc kết của nhà toán học và cũng là triết gia nổi tiếng Alfred North Whitehead rằng, “Hầu hết các ý tưởng mới đều có khía cạnh ngớ ngẩn nào đó khi được nghĩ ra lần đầu.”
Không chỉ có vậy, những nhà lãnh đạo cần phải dũng cảm bước ra để bảo vệ những ý tưởng đặc biệt. Các ý tưởng một thường là những thứ rất dễ bị hủy hoại, nó yếu ớt và mong manh, như lời của giám đốc hãng quảng cáo Charlie Brower đã nói: “nó có thể bị giết bởi một cái cười khẩy hay một cái ngáp dài; nó có thể bị đâm chết bởi một lời châm chọc và lo lắng tới chết bởi một cái nhíu mày trên trán của một nhân vật quan trọng.”
Một trong nhà lãnh đạo làm thay đổi thế giới, một người được gọi là “Kiến trúc sư cho nền hiện đại hóa Trung Quốc” – Đặng Tiểu Bình đã có một câu nói bất hủ, “Bất kể mèo trắng hay màu đen, dẫu là bắt được chuột.” Ông đã hiểu được rất sâu sắc về tầm quan trọng của ý tưởng. Trong Hội nghị Trung ương 3 khóa XII đã thông qua một văn kiện mang tính cương lĩnh “Quyết định của Trung ương Đảng về cải cách thể chế kinh tế”, Đặng Tiểu Bình đã chỉ ra một trong những điều có tầm quan trọng trong văn kiện đó là, “Tôn trọng tri thức, tôn trọng nhân tài.” Vì ông hiểu hơn ai hết rằng, chính họ là những người đóng góp cho công cuộc đổi mới đất nước của ông những ý tưởng đột phá và khả thi nhất.
Hơn nữa, ông nhận thức rằng không phải tất cả mọi ý tưởng đều hay và có khả thi mà chỉ có rất ít những ý tưởng có thể thực hiện được. Một nhà lãnh đạo giỏi không phải là người có khả năng thu hút được nhiều ý tưởng, mà phải là người có khả năng biết loại trừ ý tưởng, thì những trí thức, những nhân tài họ là những người góp cho ông những ý tưởng mà ông không phải loại trừ. Dù vậy, bất kể ý tưởng của mọi người thế nào, dù đó là tốt, là khả thi hay còn nhiều hạn chế thì đó cũng là ý nguyện của họ mong đóng góp một phần nào đó cho sự phát triển của tổ chức.
Chính vì vậy, tiếng nói của nhà lãnh đạo là tiếng nói của dân!
Vượt qua thách thức
Mọi nhà lãnh đạo đều phải đối mặt với những thời điểm khó khăn và đó chính là lúc các nhà lãnh đạo càng trở nên nổi bật và thể hiện thật sự họ là ai. Theo đánh giá của các chuyên gia lãnh đạo, thì 95% các quyết định của những nhà đạo có thể thực hiện bởi những người chỉ cần có trình độ trung học. Điều thường xuyên được yêu cầu chỉ là mang tính ý nghĩa chung và phổ biến. Nhưng những nhà lãnh đạo sẽ không được đền đáp cho những quyết định đó, họ chỉ được đền đáp bởi 5% quyết định còn lại. Tất cả thay đổi, thách thức, khủng hoảng đòi hỏi phải có một quyết định khó khăn. Chính những nhà lãnh đạo kiểm soát được tình hình, đưa ra được những quyết định tối ưu trong tình huống khó khăn đã khiến cho họ trở nên khác biệt.
Nói đến trái tim đam mê vì sự phồn vinh của dân tộc, vì mục tiêu đặt “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, chúng ta không thể không nhắc đến nhà lãnh đạo – nhà tư tưởng lớn Võ Văn Kiệt. Theo ông Võ Văn Kiệt, thì những hành động cách mạng của quần chúng trong những năm trước đổi mới, được gọi là “bung ra”, “xé rào”, xóa bỏ rào cản của những công thức giáo điều vốn đóng khung trong những cơ chế sự thể hiện trí tuệ, sức năng động, sáng tạo của nhân dân, cho thấy không có một tình huống khó khăn nào mà không có lối ra, hướng giải quyết.
Trong bài viết: “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” trong xây dựng kinh tế, đăng trên Tuần Việt Nam, tác giả Vũ Quốc Tuấn đã viết, thực tế cho thấy đây là một việc rất khó: không chỉ là vượt qua tư duy theo lối mòn, xơ cứng của bản thân, mà còn là sự dũng cảm vượt qua sức cám dỗ của các nhóm lợi ích, dứt khoát đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết.”
Tác giả bải viết cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể về những quyết định khó khăn của ông như chủ trương phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, nó thể hiện tầm nhìn sâu rộng, khi ông cho rằng đây là một vùng đất giàu tiềm năng, có ý nghĩa rất to lớn trong quá trình đất nước đổi mới, mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới.
Trước rất nhiều những ý kiến trái chiều, Ông đã rất thận trọng đi tìm hiểu cặn kẽ từng vấn đề cụ thể, từ kỹ thuật đến kinh tế, quản lý, quy tụ được những nhà khoa học uy tín trong lĩnh vực điện năng cùng bàn luận thấu đáo, đồng thời tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đề xuất cách làm hiệu quả nhất. Ông đã đề xuất “ba mũi đột phá lớn” (về giao thông, thủy lợi và giáo dục) trong đó có việc khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, và việc xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam.
Quả thực, tôi hoàn toàn đồng tình với câu nói của cựu Thị trưởng thành phố New York, Rudy Giuliani rằng, “một người xứng đáng với vị trí lãnh đạo thậm trí còn làm tốt hơn trong những thời điểm cam go.” Một khi một tổ chức đang tràn đầy khí thế đi lên, thì ai cũng có thể lãnh đạo được. Nhưng một khi tổ chức đó không có động lực, lại không có tầm nhìn chiến lược, thì chỉ có những nhà lãnh đạo xuất sắc mới có thể chèo lái con tàu ấy vượt qua khó khăn thành công.
Lúc ấy, lãnh đạo là người tạo ra sự khác biệt!
Tạo dựng di sản
Trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Đã có rất nhiều những những cuộc điện thoại, thư và thậm chí là sự hiện diện của rất nhiều nguyên thủ quốc gia đến để bày tỏ lòng tiếc thương, bày tỏ sự ghi nhận công lao không biết mệt mỏi tìm kiếm sự tự do cho nhân loại… Nhưng có lẽ không có một lời ghi nhận nào, một lời cảm kích nào sâu sắc bằng chính lời từ người kế vị, người đã và đang kiện định thực hiện con đường đổi mới, con đường tìm sự tự do và vị thế dân tộc.
Vị lãnh tụ đương nhiệm Vladimir Putin, đã bày tỏ: “Với cá nhân tôi, ông ấy là một người thầy vĩ đại – ông ấy tạo cho tôi trở thành người tự do. Nếu mẹ tôi dạy cho tôi biết phải yêu thế nào, thì ông ấy không chỉ dạy cho tôi thế nào là tự do, mà ông ấy còn dạy cho tôi con đường để trở thành người tự do. Nước Nga vĩ đại đã sản sinh ra nhiều người con vĩ đại. Nhưng không có một ai đóng góp cho nước Nga nhiều như ông. Ông là một người đặc biệt, một người rất nước Nga.” Ông ấy là Boris Yelsilt.
Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những thiếu sót mà không nhìn thấy những gì họ làm được là không khách quan, không khoa học, đôi khi vô tình làm mất đi những lãnh đạo tốt.
Khát vọng về một nước Nga ổn định, một đất nước giàu mạnh, tất cả người Nga đã gửi gắm vào con người Putin và chính bản thân ông cũng đã từng khẳng định: “Khát vọng lớn lao mà chúng tôi đã và đang theo đuổi và sẽ đến lúc trở thành hiện thực, đạt được kết quả là làm cho mỗi người Nga đều cảm nhận được qua cái miệng túi của mình, làm cho mỗi người dân Nga đều cam thấy an toàn, cuộc sống hạnh phúc hơn và đều cảm thấy tự hào về nước Nga.”
Theo ông, muốn phục hưng đất nước, trước hết phải lấy lại được lòng tự tôn dân tộc, ông chủ trương rằng người Nga phải đoàn kết nhất trí và nêu cao tinh thần dân tộc. Chỉ sau 8 năm trên cương vị lãnh đạo, Putin đã không chỉ tiếp tục thực hiện sứ mệnh thiết lập một đất nước tự do, dân chủ như vị lãnh đạo tiền nhiệm theo đuổi và để lại, mà ông còn dành lại vị thế nước Nga đã từng mất trong vị thế quốc tế.
Với khả năng lãnh đạo siêu việt ông đã được người Nga yêu quý với tấm, lòng cuồng nhiệt, tỷ lệ ủng hộ chưa bao giờ dưới con số 60%, thậm chí ông còn dược người Nga luôn miệng hát lên rằng: “…Tôi khát khao có một người chồng như Putin; có sức mạnh; không nghiện rượu; không làm tôi đau lòng; không bao giờ bỏ tôi mà đi.”
Viết đến đây, một trong những nguyên tắc về lãnh đạo xuất hiện trong suy nghĩ của tôi rằng, những gì lãnh đạo đang thực hiện không chỉ đáp ứng những nhu cầu, ước vọng của những người đang sống, mà còn thực hiện khát vọng của những người đã qua, và đứng trên đỉnh vinh quang. Với một nhà lãnh đạo kiệt xuất như Putin, thì ông hiểu rằng ông đang là hiện thân của sự thành công không chỉ là của riêng bản thân mình, mà còn là của chính người lãnh đạo tiền nhiệm đã mất nhiều công sức để tìm ra ông, và Putin thực chất là di cản của Người thầy vĩ đại – Boris Yelsilt vì “thành công của một nhà lãnh đạo không phải được định giá bởi những gì đi về phía trước mà được định giá bởi những gì để lại phía sau.”
Thêm vào đó, qua những trải nghiệm ấy, Putin cũng phải xây dựng một di sản cho riêng mình và cũng tiếp tục đi tìm kiếm một người kế nhiệm, đủ khả năng đảm nhiệm vai trò lịch sử tiếp tục gánh trên vai mình sứ mạng lịch sử là làm cho mọi người được hiểu được con đường tự do và quan trọng hơn là chỉ cho họ con đường tự do đến như thế nào.
Và, lãnh đạo hành động hôm nay, gặt hái ngày mai
Và tôi xin được kết thúc bài viết trao đổi này bằng một câu nói nổi tiếng được đúc kết từ chính cuộc đời và trải nghiệm của Lee Iacocca nguyên là Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Xe hơi Chrysler, rằng, “Lãnh đạo có nghĩa là làm gương cho người khác. Khi anh ở vị trí lãnh đạo, mọi người sẽ đi theo anh nhất cử nhất động của anh.”
Mọi người luôn cần những nhà lãnh đạo đổi mới, kiên định đường lối mở cửa, không giáo điều, bảo thủ, có tầm nhìn, dám dấn thân vì lợi ích của dân tộc và đất nước, biết lắng nghe và tập hợp trí tuệ của nhân sĩ trí thức. Cần những nhà lãnh đạo có bản lĩnh, dũng cảm, dám làm dám chịu, có thể mắc sai lầm nhưng là con người của hành động và thúc đẩy mọi thứ đi lên.
Làm nhiều thì khó tránh khỏi sai sót, nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những thiếu sót mà không nhìn thấy những gì họ làm được là không khách quan, không khoa học, đôi khi vô tình làm mất đi những lãnh đạo tốt. Và, một khi nhà lãnh đạo là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, thì mọi người sẽ đi theo nhà lãnh đạo còn mạnh mẽ hơn cả bản thân họ.
TS. Đinh Việt Hòa